CHIA SẺ KINH NGHIỆM ÔN THI ĐẠI HỌC KHỐI D

Chào các bạn, mình là Ly. Chúc tất cả các bạn một ngày vui vẻ!

Tiêu đề bài viết là "chia sẻ" nhưng thật ra mình không dám chia sẻ gì đâu, chỉ là tâm sự một chút với tất cả các em đang và sẽ thi đại học trong thời gian sắp tới để các em bớt lo lắng, căng thằng thôi nhé. 

Chắc nhiều bạn không biết là mình thi đại học 2 lần. Lần đầu tiên năm 2018 mình đỗ trường Đại học kinh tế- ĐHQG Hà Nội nhưng vì nhiều lí do mà mình không đi học năm đó. Sau đấy thì mình về đi làm đúng 7 tháng thì mình quyết định thi lại. Một bài học duy nhất mình nhận được trong quá trình đi làm là mình phải học để không bao giờ quay lại sống một cuộc đời với một công việc đáng chán ấy nữa. 

Lần thứ 2 mình thi đại học là năm 2019. Tháng 4 mình mới bắt đầu ôn, ôn đã muộn xong lại không chăm lắm nên điểm thi của mình không cao. May mắn sao là mình đã đỗ vào trường Đại học ngoại ngữ- ĐHQG Hà Nội. Hiện tại thì mình đang là sinh viên năm nhất khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga. 

Mình chia sẻ như vậy là muốn nói với các bạn rằng, ngay cả mình học kém như thế, ôn thi muộn như thế mà còn đỗ đại học thì các bạn cũng sẽ làm được. Các bạn nhất định sẽ đỗ vào trường mình mong muốn. Hãy quyết tâm lên nhé! 



1. Quản lí thời gian

Những bạn nào hay đọc bài trên page Fly With Ly thì đều biết là mình đã và đang sử dụng Bullet Journal để quản lí thời gian. Đây là một phương pháp rất hay và cứu cánh rất nhiều cho cuộc đời mình. Mình sẽ ghi từng bước cho mọi người dễ hiểu. 

- Mục tiêu: chọn ngành, trường mình thích (Khoa Nga- Đại học ngoại ngữ) => Số điểm cụ thể theo khối thi (27 điểm khối D) => Số điểm cụ thể từng môn. (Văn 9, Anh 10, Toán 8.)

- Lên kế hoạch: 

+ Theo tháng: tháng này học gì, tháng sau học gì, tháng nào bắt đầu luyện đề. (rất quan trọng)

+ Theo tuần: phân chia thời gian hợp lí và đều cho các môn. Tuy nhiên cần có sự ưu tiên cho những môn quan trọng hoặc môn kéo điểm. Ví dụ mình thi khối D mà toán mình học dở quá nên mình tập trung học Văn với Anh nhiều hơn. 

+ Theo ngày: viết vào sổ tay thật chi tiết ngày mai mình cần học môn gì, trong môn ấy thì học phần gì, học trong bao lâu? Thường thì mình học 2 môn một ngày (năm 2018): sáng học Văn thì tối học Toán. Sang năm 2019 mình chỉ học 3 môn duy nhất, lại không phải đến trường nên có khá nhiều thời gian. Mình học cả 3 môn một ngày, chỉ có số giờ ưu tiên cho môn quan trọng nhiều hơn. 

Lưu ý, lên kế hoạch càng chi tiết thì càng tốt. Nếu đặt chung chung thì đến lúc ngồi vào bàn học lại loay hoay không biết nên học gì. 


    

2. Môn Toán

- Phải chắc chắn làm được hết những câu dễ, câu cơ bản và cấm để sai ngu. Nhiều khi sai ngu 2-3 câu là toi rồi. Thà không làm được mấy câu khó thì thôi chứ câu dễ mà để sai thì tức lắm. 

- Học chắc kiến thức sách giáo khoa. Mình không nói bừa đâu nhưng học chắc sgk là đã được 6 điểm ngon lành rồi. Hồi mình thi lại mình có ôn bộ sách của Lovebook và mình thấy bộ này khá hay. Mình không có mua thêm sách gì cả vì mình biết là có mua về cũng không làm. Có gì khó hay có chuyên đề nào chưa ổn thì lên mạng tìm rồi in về làm là xong . 

Mình không học thêm, không học online, chỉ tự học và tự tìm hiểu trên mạng. Mình thi thoảng hay xem video của thầy Đặng Việt Hùng, thầy Chí và rất nhiều thầy trên Youtube nữa. Giả dụ có chuyên đề nào khó hiểu, có dạng bài nào mình chưa biết thì mình tìm trên mạng để học. 

Tóm lại là riêng môn Toán mình không có nhiều kinh nghiệm lắm. Mình không tập trụng học nhiều Toán mà tập trung học Anh với Văn để kéo điểm. Năm ngoái mình ôn thi muộn, quên hết kiến thức nên mình chỉ đặt mục tiêu là học hết kiến thức cơ bản. Mình không có làm đề nhiều (chưa làm quá 10 đề) nhưng may sao năm ngoái được 7,6 điểm. 

3. Môn Anh

-Kiến thức ngữ pháp tiếng Anh của mình bị hổng rất nhiều, không có hệ thống mà kiểu chắp vá, mỗi thứ biết một tí nhưng không sâu. Đây là điều vô cùng tai hại luôn và mình thành thật khuyên các bạn đã học chuyên đề nào thì phải học cho bằng chắc kiến thức phần đó. Một là biết, hai là không biết chứ biết nửa vời rất nguy hiểm. Ví dụ loại bỏ 2 phương án sai là A và B, mình phân vân C với D thì y như rằng mình chọn C kết quả sẽ là D. 

-Luyện đề. Luyện đề. Luyện đề. Đừng làm nhiều đề, đừng quan tâm tới số lượng mà hãy tập trung vào chất lượng. Khi chọn đề thì nhớ làm những đề có lời giải chi tiết ấy. 

-Mình hay xem video của cô Mai Phương và cô Trang Anh, mấy tháng cuối các cô rất chăm livestream nên các bạn có thể vào để học. Môn Anh theo mình bạn nên tìm cho mình một người thầy giỏi, như thế bạn sẽ học hành bài bản hơn, tiết kiệm thời gian. Trước mình tự học, tự tìm, tự mày mò nên là rất vất vả mà nhiều khi không đâu vào đâu cả. 

-Hãy học thật nhiều từ mới vì biết từ mới là biết tất cả. Trong bài có đến 3 bài đọc hiểu nếu như không biết từ mới thì rất khó để làm. Nhiều khi ngữ pháp ngu nhưng từ mới thì biết sẽ giúp bạn đoán ra được đáp án. Về phần bài đọc hiểu, đây là phần đã kéo điểm môn Anh của mình. Trước khi làm đọc hiểu, mình thường đọc qua nội dung chính để có thể làm tốt hơn, đừng cắm đầu vào tìm ngay đáp án nhé. 

4. Môn Văn

Đây là môn mình học nhiều nhất, đầu tư nhiều công sức nhất và đặt nhiều hy vọng nhất. Mình nhớ là mình học ngày học đêm, ngày nào cũng học Văn với mục tiêu 9 điểm. Nhưng đến lúc thi thì chỉ được 8,25. Và môn Văn là cái môn may rủi nên rất khó để nói trước. 

Thật ra không phải học giỏi Văn mới đạt được điểm cao đâu, chỉ cần biết một vài mẹo cơ bản là hoàn toàn được trên 7 dễ dàng. 

a) Không học thuộc văn mẫu

Say no với học thuộc văn mẫu. Mình không bao giờ học thuộc văn mẫu và mình rất phục bạn nào có thể học tất cả các bài văn mẫu mà thầy cô đưa cho. Học văn mẫu vừa mệt, vừa tốn công sức, thời gian mà điểm thi lại chả cao. Một tác phẩm văn học nó đã chia ra cả 4-5 dạng đề nhỏ rồi thì thử hỏi bạn học thế nào cho hết? Các bạn chỉ nên học ý chính của tác phẩm đó để đi thi mình biết đường mà chém gió thôi.

b) Đọc hiểu

Đọc nhiều, làm nhiều đề và nhớ là trả lời càng ngắn gọn càng tốt. Riêng phần đọc hiểu nên tránh trả lời dài, lan man. Đề hỏi gì thì trả lời cái đó. 

c) Nghị luận xã hội

Đây là cái phần rất dễ bị mất điểm vì mình hay viết lan man và đôi khi còn bị lạc đề. Trước khi làm bài các bạn nên vạch ra những ý chính vào nháp để trong lúc viết mình tránh quên, bỏ sót ý hoặc tránh viết dài dòng linh tinh. 

Trong đề NLXH có 3 mục rất quan trọng mà bạn cần có.

+ Mở đoạn văn phải có một câu trích dẫn. Có một mẹo hay như thế này là các bạn hoàn toàn có thể tự chém gió một câu danh ngôn rồi cho đó là lời của một ông danh nhân nào đó. Các bạn không thể nào học hết những câu danh ngôn trên đời được, vậy nên là cứ chém bừa đi. Đến khi thầy cô chấm thấy lạ thì kệ, các thầy cô không biết câu danh ngôn đó không có nghĩa là nó không tồn tại. 

+ Nhất định phải có dẫn chứng. Dẫn chứng này rất rất quan trọng và khiến cho bài văn, lập luận của bạn trở nên logic hơn. Một bài văn nghị luận thì cần đến khoảng 2-3 dẫn chứng. Phần thực trạng nên có một dẫn chứng cụ thể, có số liệu thì càng tốt. Dẫn chứng bạn đưa ra phải có tính thuyết phục người đọc. Các bạn nên học mỗi lĩnh vực một ví dụ. Nên lấy dẫn chứng độc lạ càng tốt để tránh bị trùng lặp. Giả sử khi lấy ví dụ về danh nhân thành công thì đừng lôi Bill Gates ra làm gì, lấy mấy người nổi tiếng mà mọi người ít nhắc tới như Victor Hugo chẳng hạn. Các bạn nên chọn một nhân vật lịch sử nào đó rồi học thật kĩ cuộc đời của họ. Vì mấy người tài năng đó họ giỏi rất nhiều thứ, rất nhiều lĩnh vực ví dụ như: thành công, cần cù, dũng cảm, lòng thương người,... Hoặc học mấy câu chuyện huyền thoại như về tàu Titanic, trong đó có rất nhiều bài học có thể rút ra được. 

+ Phản đề là điều không thể thiếu. Phản đề của một đoạn văn thì nên viết khoảng 2-3 câu, đừng tham viết dài nhưng nhớ phải có. Trong phản đề có ví dụ minh họa càng tốt, nó thể hiện được bài viết của bạn vừa có lập luận sâu sắc lại có nhiều góc nhìn đa dạng, không gò bó phiến diện với cái nhìn một mặt của vấn đề. 
  
Nghị luận xã hội không cần viết dài, viết đúng, đủ mà chất là auto điểm cao. 

d) Nghị luận văn học 

 Đề đạt được điểm cao phần này, các bạn hãy chuẩn bị cho mình một cái mở bài kết, kết bài mẫu mà áp dụng được cho tất cả các dạng đề. Đi thi các bạn chỉ việc bê nguyên si những gì các bạn đã chuẩn bị ở nhà cộng thêm với việc là biến tấu sao cho phù hợp với đề bài. Điều này rất có lợi, bạn không phải học nhiều, đi thi không cần tốn thời gian suy nghĩ mà vẫn có được cái mở bài, kết bài hay. 

+ Mở bài có 2 dạng là mở bài trực tiếp và gián tiếp. Kiểu dễ nhất là mở bài trực tiếp tức là giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sác tác. Ok, đồng ý với các bạn là cách này rất dễ nhưng mà cũng rất chán. Mở bài gián tiếp khó hơn và không cẩn thận sẽ dễ bị lạc đề, nhưng nó lại cuốn hút người đọc và khiến cho người chấm sẽ ấn tượng với bài viết của bạn ngay từ những câu đầu tiên. Còn cái phần tác giả, tác phẩm bạn để dành ở phần thân bài cho bài văn của bạn thêm dài. 

+ Kết bài hay cũng rất quan trọng. Nhiều bạn viết phần mở bài rất hay nhưng đến phần cuối bài thì lại viết chẳng ra gì. Có nhiều lí do ví dụ như là gần hết giờ nên cuống quá, không nghĩ ra được ý tưởng. Kết bài các bạn nên viết tóm tắt lại những ý chính một cách cô đọng nhất, tránh lặp đi lặp lại mấy ý đã nói ở phần trên. 

Đối với mình, mở bài và kết bài giống như là linh hồn của tác phẩm vậy. Khi mà người chấm đọc những câu đầu tiên trong bài viết của bạn đã thấy vô cùng ấn tượng, rồi cho đến khi chấm hết bài thi vẫn thấy bạn viết được những câu hay và chất thì điểm của các bạn kiểu gì cũng cao. Nó giống như là một mùi hương thơm luôn thoang thoảng từ giây phút đầu cho đến khi kết thúc vậy. Một điều quan trọng bạn cần nhớ đó chính là phải tự viết mở bài, kết bài mẫu cho riêng mình, độc nhất mình có. Làm như thế là để tránh trường hợp nhỡ may thầy cô nào mà chấm lại gặp mấy bài viết giống nhau thì y như rằng xác định được đó là văn mẫu. 

Năm ngoái mình ôn thi thì may mắn là được một người chị và một người bạn truyền cho mở bài, kết bài mẫu tự viết. Và người bạn của mình đã được 9,5 điểm môn Văn trong năm thi đại học 2018. Mình sẽ chia sẻ ra đây để cho các bạn, các em tham khảo nhé! 

      

(Mở bài và kết bài tham khảo)


Phần thân bài không cần viết quá cầu kì làm gì, chỉ cần viết đủ ý là sẽ có điểm. Phần phân tích lấy càng nhiều ví dụ càng tốt. Hồi mình ôn thi mình học rất nhiều ví dụ về phần này, học rất nhiều câu lí luận văn học để tăng sức hút cho bài viết của mình. 

Mình hay follow, xem youtube của những thầy cô như: Phạm Minh Nhật, chị Hiên dạy văn, thầy Khôi dạy văn,... Mình rất rất biết ơn thầy Nhật, thầy giảng bài rất hài nhưng lại rất cuốn hút và mình cứ nghe đi nghe lại suốt cả ngày. Mình lên Youtube, mở các văn bản ra nghe, nghe tất cả các bài trên Youtube có. Mình nghe nhiều đến độ mà nó tự ngấm vào đầu, mình không phải mất công học thuộc. 

Muốn viết hay, viết tốt thì các bạn phải nhớ đọc thật nhiều văn mẫu. Lên GG hay đâu đó tìm kiếm rồi đọc cho nhiều vào. Học thật kĩ các tác giả, tác phẩm, tìm kiếm thêm để học sâu về cuộc đời của các tác giả đó. Mình nhớ là hồi xưa khi tìm hiểu cuộc đời của Nguyễn Tuân mình thấy hay ơi là hay và nó đem đến cho mình rất nhiều nguồn cảm hứng khi viết văn. 

Các bạn phải luyện đề thường xuyên nhé. Làm thật như thi thật. Mình thấy rất ít hoặc thậm chí không có ai đi luyện đề Văn cả. Oh why? Tại sao Toán, Anh các bạn luyện đề còn Văn thì không? Các bạn phải luyện đề, đặt thời gian để xem tốc độ viết của mình đến đâu, có kịp hay không, chữ có dễ nhìn không. Tuy luyện đề Văn hơi vất nhưng nó thực sự rất có ích đấy. Đôi khi bạn phải viết hẳn ra giấy và đọc lại thì bạn mới thấy là mình viết văn dở như thế nào. :) 

   

(Dàn ý tham khảo)


e) Một vài mẹo nhỏ

Mẹo khi làm bài thi Văn là hãy bình tĩnh, đọc kĩ đề trước khi làm và nhớ vạch ý ra nháp trước khi viết. Trình bày bài văn nên cách lề để bài viết nhìn đẹp mắt, sạch sẽ, thông thoáng. Khi đi thi mình hay viết bút nước mực đen như bút chữ A, bút Thiên Long. Tránh viết mực xanh hay tím vì các cô chấm bài vào mùa hè, thời tiết nóng nực mà ngồi liền mấy tiếng chấm thi rất mệt mỏi, căng thẳng nên đôi khi dễ bị hoa mắt, đọc bài viết có bút mực sáng màu hay bị chói mắt. Lí do mình chọn bút nước là vì viết nước rất nhanh mà khi viết nhanh bạn vẫn sẽ viết đẹp chứ không bị viết ẩu như khi viết bút bi. Nhiều khi chữ xấu hoặc ẩu quá sẽ làm người chấm thi mất cảm tình với bài viết của bạn. 

f) Yêu liều ăn nhiều

Đừng học theo kiểu gượng ép, hãy học vì yêu thích môn Văn và viết văn bằng tình yêu và tấm lòng của mình. Một bài văn hay là một bài văn phải có hồn trong đó. 

5 Bí kíp đỉnh nhất

Bí quyết cuối cùng là đừng học nhiều, học ít thôi và học thì ra học chơi ra chơi. Không phải cứ cắm đầu học ngày học đêm là đi thi sẽ được điểm cao đâu. Bạn học mà không có thời gian nghỉ ngơi thì cơ thể sẽ rất mệt mỏi, không minh mẫn. Đừng học quá khuya, hãy ăn uống đủ chất và tập luyện thể thao. Chứ stress, lo lắng rồi chèn ép bản thân quá lại phản tác dụng đó. Điều bất di bất dịch cần nhớ là đừng có lười. Nếu như bạn lười thì có phương pháp thần kì nào cũng không giúp bạn đỗ đại học nổi. Không học hành đàng hoàng rồi khéo đỗ tốt nghiệp cũng khó ấy. 


Bài viết đã dài quá rồi, cảm ơn các bạn đã đọc đến những dòng cuối cùng này. Các bạn có thể tham khảo thêm hai bài viết cùng chủ đề ôn thi ở đường link sau: HOW TO PREPARE FOR STUDY SESSION và HỌC VĂN DỄ LẮM.

Ngoài ra, mình có làm audio để các bạn tiện nghe nếu lười đọc nhé!