"Và người ta sẽ không thể lớn, không thể phát triển nếu không biết mình là ai, mình thực sự muốn gì?"

Nếu bạn thấy tiêu đề bài viết này quen quen thì ừ đúng rồi, mình mượn tên cuốn sách của nhà văn Richard David Precht. Mình mượn được cuốn sách này từ chỗ thầy mình nhưng hiện tại thì mình vẫn chưa có đọc. Cái tên tiêu đề quả là cuốn hút và khiến người ta không ngừng bận tâm về nó. 

Mình đã tự hỏi bản thân rất nhiều lần câu hỏi này nhưng vẫn chưa có câu trả lời. Rồi đến một thời điểm- ngày hôm nay, mình không muốn hỏi nữa mà mình muốn viết hết ra những câu trả lời mông lung trong đầu của mình. 


Nguồn cảm hứng khiến mình muốn viết bài này đến từ những dòng văn của chị Thảo trên Facebook: "những lúc ''tự dưng'' cơ thể mình chán nản mệt mỏi ấy, nó không ''tự dưng'' đâu. Nó là sự tích tụ lâu ngày của một tổn thương nào đó, tận sâu bên trong lận. Để tìm ra, các bạn sẽ phải vất vả đấu tranh tư tưởng hàng giờ, trách mình, trách người nhưng XIN BẠN ĐỪNG LỜ NÓ ĐI. Hãy thành thật với bản thân, hãy cố lết dậy làm gì đó, vừa làm vừa nghĩ chứ đừng chỉ ngồi và nghĩ." Mình nhận ra rằng, bao lâu nay mình chỉ đang trốn tránh bản thân, mình chỉ đang lừa gạt chính mình rằng bản thân vẫn ổn và mọi chuyện vẫn tốt đẹp. Nhưng không, tổn thương còn đó, những câu hỏi về bản ngã của chính mình vẫn cứ ám ảnh mình, bắt mình phải trả lời cho bằng được. 



Mình không biết có phải tất cả mọi người trên thế giới này đều có ít nhất một lần tự vấn bản thân xem rằng mình là ai hay không? Còn mình, như đã kể, mình đã hỏi bản thân rất rất nhiều lần. Câu hỏi này đến với mình quá sớm, nó làm mình lo sợ về tương lai, nó khiến mình stress, nó khiến mình suy nghĩ tiêu cực và nó cũng khiến mình tự ti về bản thân rất nhiều. Mình gọi nó là một ngọn núi, ngọn núi của cuộc đời và nếu như không vượt qua được ngọn núi ấy, mình sẽ không thể nhìn thấy được một thế giới bao la rộng lớn. 

"Tôi là ai?", "Mình là ai?" Chỉ 2 tháng nữa thôi là mình sẽ tròn 20 tuổi- một độ tuổi mà người ta vẫn gọi là đẹp nhất đời người. Thế mà bản thân mình hiện tại vẫn còn mông lung, loay hoay với quá nhiều thứ. Mình không biết bản thân thích gì, giỏi gì, tài năng, kĩ năng, ngoại ngữ, cái gì cũng không có. "Mình muốn có một tương lai như thế nào?", "Mình muốn trở thành một người mang những tính cách gì?", "Mình muốn sống một cuộc đời ra sao?" Hàng loạt câu hỏi cứ quanh quẩn trong đầu. Và mình nhận ra một điều rằng, mình đã ở trong một cái vòng luẩn quẩn với một mớ bòng bong quá lâu và nếu như mình cứ ngồi đấy mà nghĩ thì cho dù có hàng chục năm nữa trôi qua mình vẫn không tìm ra được câu trả lời.
 
Thay vì hỏi "mình là ai" thì hãy hỏi "mình có thể làm được gì"? Trả lời được câu hỏi đó phần nào sẽ giúp mình trả lời được vế sau tiêu đề của bài viết "và nếu vậy thì bao nhiêu?" 
Mỗi mùa hè đến là mình thường rất đau đầu nghĩ xem mùa hè này mình nên làm gì và tìm một công việc gì giúp mình kiếm thật nhiều tiền. Nhưng giờ mình mới ngộ ra rằng, nếu như mình đủ giỏi, xứng đáng để người ta trả lương thì mình không lo không kiếm được việc, không lo thiếu tiền. Nhưng hãy nhìn mình xem, mình còn thiếu quá nhiều thứ, quá nhiều điều phải học thì trước tiên mình phải lo học đi trước đã. Mình phải lên kế hoạch học hết từng thứ một. 

Nếu nói bước tiến lớn nhất của mình ngày hôm nay là gì thì đó chính là mình nhận ra được câu trả lời cho câu hỏi "tôi là ai?" không đến từ câu trả lời, mà đến từ hành động, từ những việc mình đã làm. Thành quả sẽ là câu trả lời tuyệt vời nhất. Còn nếu chỉ ngồi đó và tự hỏi, rồi tự trách thì câu trả lời sẽ mãi là "Tôi là một kẻ tầm thường, tôi chằng có tài năng gì, tôi chẳng thể làm được bất cứ cái gì ra hồn. Cuộc đời tôi cũng chỉ đến thế mà thôi."

Sẽ còn viết tiếp những câu chuyện dang dở này...

09/06/2020