Bạn có yêu thích viết lách không? Bạn có bao giờ muốn kể lại một câu chuyện nào đó mà mình tâm đắc nhưng lại chẳng biết phải viết thế nào, miêu tả ra sao rồi lựa chọn từ ngữ như nào cho đúng? Có bao giờ bạn cảm thấy đầu mình tràn ngập ý tưởng nhưng khi định viết thì bản thân lại chẳng biết nên bắt đầu từ đâu? Liệu có khi nào bạn tự hỏi: tại sao người ta lại viết hay đến thế? 


Suốt một thời gian dài mình đã băn khoăn với những câu hỏi đó. Là một người yêu thích viết lách, mình vẫn luôn chờ đợi một một ngày bản thân sẽ viết ra được một cái gì đó thiệt hay, thiệt cuốn hút và có sức lay động lòng người. Nhưng rồi mình chợt nhận ra rằng, chẳng bao giờ có sự hoàn hảo ở đây cả. Mình đã không hề chăm chỉ viết hay có đôi khi mình đã không viết chỉ vì sợ thứ mình viết ra sẽ không hay, hoặc thậm chí là rất dở. Tuy nhiên, như Mark Twain đã từng nói: "Cải tiến liên tục thì tốt hơn là sự hoàn hảo bị trì hoãn" ( Continuous improvement is better than delayed perfection). Bởi vậy, để có thể viết hay thì không còn cách nào khác là mình phải viết, phải chăm chỉ viết lách mỗi ngày. 

Mình không nhớ là đã bắt đầu viết hay cảm thấy thích viết từ bao giờ nữa. "Viết" có thể được coi là tri kỉ trong quá trình lớn lên của mình. Mình soạn văn, viết bản kiểm điểm, viết đơn xin nghỉ học, làm bài tập về nhà, làm đề thi đại học và thường là viết chỉ vì mình muốn viết. Rồi bỗng một ngày mình cảm thấy yêu nó, thấy gắn bó với nó và muốn tìm hiểu về nó nhiều hơn. 

So với khi còn nhỏ, càng lớn mình càng viết hay hơn. Đó là vì mình đã viết nhiều hơn, có nhiều trải nghiệm hơn, biết quan sát tốt hơn, giàu cảm xúc hơn và hơn cả là nhận thức đã trưởng thành hơn. Có người khen, người chê, có người bảo rằng giọng văn mình rất mượt. Mình chẳng biết nữa, vì người viết văn giống như làm dâu trăm họ, nào biết đâu mà làm vừa lòng tất cả. Mình chỉ thấy vui khi viết, thông qua con chữ mình đã truyền tải được nội dung, thông tin giá trị đến cho tất cả mọi người. Đó mới là vấn đề cốt lõi. 

Nếu bạn hỏi mình có cách nào để viết ra được (khác với viết hay vì mình không chắc là mình viết hay) như mình không, thì mình xin chia sẻ một vài ý kiến cá nhân như sau. 

1. Phải viết. 

Xin đừng lặng thing với ngòi bút! Hãy viết, hãy viết đi, viết tất cả những gì bạn nghĩ. Ý tưởng chỉ để ở trong đầu là ý tưởng chết. 

2. Đọc, trải nghiệm và suy ngẫm thật nhiều. 

Không có lửa thì làm sao có khói? Không có vật liệu thì xây nhà làm sao? Không có mình thì ai viết ra bài viết này? 

3. Khả năng quan sát

Tại sao có những người tinh tế và không tinh tế? Tại sao có những người lại thu lượm được những chi tiết đắt giá của cuộc sống và biến tấu nó vào trong tác phẩm của mình, còn bạn thì không? Là vì bạn không chịu quan sát. Hãy quan sát nhiều vào, chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhất, những thứ tầm thường nhất mà đôi khi chả ai thèm quan tâm. Chẳng hạn như hai câu thơ tuyệt vời của Trần Đăng Khoa đã lột tả cho mọi người thấy được tài quan sát tinh tường của ông: 

"Ngoài thềm rơi chiếc lá đa

Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng" 

Hồi xưa - khi còn là một con nhóc chưa biết cảm thụ nghệ thuật, sau khi đọc xong hai câu thơ này, mình phán đúng một câu: Khiếp quá! Có cái lá đa rơi mà cũng nhìn. 

4. Đọc lại hàng nghìn lần. 

"Hàng nghìn lần" là mình nói quá một chút, ý là hãy đọc lại rất nhiều lần vào, để xem chỗ nào chưa ổn thì sửa lại. Mỗi một bài mình viết ra dù hay, dù dở đều được mình đọc lại rất nhiều lần. Vậy mình soát cái gì? Mình xem dấu câu đã ổn chưa, có bị lặp từ không, có chỗ nào không mạch lạc không, có chỗ nào viết theo cách khác để hay hơn không,...? Chính xác thì sửa lại vừa lâu, vừa mệt hơn cả viết. 

5. "Yêu" đi rồi anh cho tất cả. 

Thật đấy các bạn, nếu bạn yêu thứ gì đó đủ nhiều thì bạn sẽ biết cách để trở nên "pro" hơn với nó. Nếu hiện tại mình chưa giỏi viết lắm thì chỉ là mình chưa đủ yêu, chưa đủ hiểu biết và thực hành nó đủ nhiều mà thôi. Nếu bạn không thích việc bạn đang làm thì rồi cũng sẽ đến một ngày bạn từ bỏ nó khi không ai ép buộc bạn phải làm. 

6. Tư duy rất quan trọng. 

Cô giáo triết học dạy bọn mình một câu thế này: Bạn suy nghĩ như nào thì sẽ hành động như thế. Áp dụng vào viết lách thì là: Bạn tư duy như nào thì bạn sẽ viết như thế. Bởi vậy mà muốn viết khác, thì phải tư duy khác và không ngừng cải thiện tư duy của mình. 

7. Thì là...

"Dấu hiệu thật sự của trí thông minh không phải là kiến thức mà là trí tưởng tượng" (Albert Einstein) Mọi người hay bảo viết văn là chém gió, là nói láo,... Điều đó đúng một chút thôi. Chẳng thể nào tồn tại một cây viết xuất sắc mà lại không hề biết tưởng tượng. 

Hiện tại mình vẫn chưa sử dụng việc "viết lách" để kiếm tiền, chỉ vì mình vẫn chưa thấy đủ khả năng để bắt đầu coi viết như là một công việc. Mình viết vì mình thích chia sẻ, thích viết và thỏa thích với đam mê của mình. Trong tương lai mình muốn dấn thân vào con đường viết lách, không ngừng học hỏi để nâng cao năng lực và phát triển thứ hiện đang là thế mạnh của mình. Biết là phía trước con đường sẽ rất khó khăn và chông gai, nhưng cũng thật là thú vị và rộng mở. Với một trái tim tràn đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ, với một động lực to lớn và sự cổ vũ không ngừng của các bạn đọc, mình tin mình làm được. 

#P/S: ảnh mình lấy trên pinterest.